Xử lý hiệu quả rác thải sinh hoạt

  31/08/2023

Là một đô thị lớn của cả nước, lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày của Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn. Tính trung bình mỗi ngày thành phố phải xử lý hơn 9.500 tấn rác thải sinh hoạt.

Công nhân thu gom rác thải sinh hoạt tại thành phố Thủ Đức.

Trong số này, 69% đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; giải pháp đốt, ủ phân compost và tái chế chỉ chiếm 31%, riêng tái chế nhựa chỉ chiếm 1%. Theo một thống kê khác, mỗi ngày thành phố tiêu thụ 2.674 tấn giấy, 1.900 tấn nhựa các loại; Tuy nhiên, tỷ lệ giấy thu gom được chỉ khoảng 40% (tương đương khoảng hơn 1.000 tấn); nhựa thu gom được khoảng 500 tấn (tỷ lệ tái chế khoảng 27%). Số còn lại đang bị gộp chung với rác thải sinh hoạt.

Trước những nguy cơ tác động đến môi trường, thành phố đã đề ra những mục tiêu quan trọng như: phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu hồi, tái chế, làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng.

Trong 51 chương trình, đề án trọng điểm của thành phố theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố có riêng một đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 đạt một số chỉ tiêu như: 80% số hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý.

Thực tế cho thấy đến thời điểm này các yêu cầu mục tiêu vẫn chưa đạt được. Đối với một số quận, huyện triển khai thường xuyên thì mức độ đạt cũng chỉ mới khoảng 20%. Thực trạng chung cho thấy, dù thành phố đã có chính sách hỗ trợ người dân phân loại rác tại nguồn, song các chính sách chưa đủ hấp dẫn. Trong khi cơ chế xã hội hóa công tác thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn thiếu, chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư.

Xử lý rác thải, tái chế rác thải là vấn đề lớn, tuy nhiên đến nay thành phố chưa có nhiều dự án liên quan trực tiếp đến lĩnh vực tái chế từ quá trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Ngoài ra, thành phố cũng chưa có quy hoạch, bố trí không gian phù hợp với ngành nghề sản xuất, tái chế phế liệu từ phân loại chất thải rắn sinh hoạt; thậm chí, các quy định về nghiêm cấm, hạn chế ngành nghề tái chế phế liệu từ phân loại rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất… cũng là một lực cản đối với vấn đề này.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thành phố cần chuẩn bị về nguồn lực, chính sách, thể chế liên quan để nhanh chóng quy hoạch không gian phát triển công nghiệp tái chế. Thành phố cần dành quỹ đất cho hoạt động xử lý chất thải. Đây là một hạn chế của thành phố so với nhiều địa phương khác khi quỹ đất cho vấn đề này vẫn còn rất khiêm tốn.

Ngoài ra, thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp mang tính bền vững; trong đó, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể là một trong các giải pháp hiệu quả cần sớm tiếp cận để triển khai. Giải pháp này hiện đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, bởi nó đã chứng minh được hiệu quả quản lý đối với chất thải rắn sinh hoạt, nhất là với những đô thị có lượng rác sinh hoạt lớn.

Một trong các hoạt động trọng tâm mà giải pháp này chú trọng là đẩy mạnh tái chế ngay từ khi hình thành sản phẩm thông qua các quy định về thiết kế sản phẩm, thay vì tập trung vào tái sử dụng. Một ưu điểm khác của giải pháp này là hạn chế ngay được lượng rác phát sinh trong ngày.

Để triển khai mô hình, các ý kiến cũng nhấn mạnh việc thành phố cần kiến nghị để xây dựng kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn trong quản lý tái chế rác thải sinh hoạt. Đồng thời, thành phố cần tiếp tục tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân nhận thức hơn nữa về việc phân loại rác tại nguồn, xử lý các loại rác phù hợp để các hoạt động tái chế, chôn lấp được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao công tác bảo vệ môi trường

Nguồn: nhandan

×

FanPage

WETV EXPO