Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong các khu dân cư

  03/08/2023

Việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong khu dân cư hiện nay luôn được các địa phương của Quảng Ninh chú trọng. Không chỉ với khu vực đô thị, mà ngay cả khu vực nông thôn người dân cũng đã dần hình thành thói quen phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại gia đình.

Quảng Sơn là xã miền núi, biên giới của huyện Hải Hà. Trong số hơn 4.600 nhân khẩu sinh sống trên địa bàn xã thì có tới 96,5% là người DTTS. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường ở Quảng Sơn ngày một thay đổi, khởi sắc. Chuồng trại chăn nuôi được di dời ra xa nơi ở; nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng ngày càng nhiều; người dân duy trì tốt phong trào “Ngày chủ nhật xanh” để cùng nhau dọn dẹp đường làng, ngõ xóm.

Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác tại khu phố Nguyễn Du, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà.

Đặc biệt, chất thải rắn sinh hoạt đã được các hộ dân phân loại, xử lý khá tốt. Qua thống nhất với các hộ dân, xã đã hợp đồng cùng Công ty TNHH MTV Vệ sinh môi trường Hải Hà thu gom rác của 246/964 hộ dân trên địa bàn và một số đơn vị, tổ chức khu vực trung tâm xã với tần suất 2 ngày/lượt. Với các hộ còn lại do nằm ở khu vực xa xôi, dân cư không tập trung, xã tổ chức hướng dẫn các hộ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại chỗ bằng cách phân loại đốt, chôn lấp…

Bà Phùn Tài Múi (thôn Quảng Mới, xã Quảng Sơn) cho biết: Gia đình tôi đông người. Trước kia, rác thải sinh hoạt chỉ đưa ra góc sân, góc vườn đổ, mùa nắng nóng bốc mùi hôi khó chịu. Hiện nay, rác thải sinh hoạt đã có công ty thu gom nên nhà cửa sạch sẽ hơn, không còn mùi rác nữa.

Không chỉ tại Quảng Sơn, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong các khu dân cư ở Quảng Ninh ngày càng được thực hiện phổ biến. Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị phát sinh khoảng 1.338 tấn/ngày, chưa kể lượng chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn.

Người dân TX Đông Triều đổ rác thải đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: Thanh Hằng

Để nâng cao ý thức của người dân trong phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội đã tích cực triển khai nhiều phong trào thi đua và mô hình bảo vệ môi trường như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Chung tay xây dựng NTM”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Dùng làn đi chợ”, “Biến rác thành tiền”, “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”, “Ủ phân vi sinh”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, không thải chất thải ra môi trường”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”…

Từ năm 2018 đến nay, các địa phương đã triển khai, nhân rộng hơn 1.650 mô hình thu gom rác thải. Hiện tất cả 177 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều thành lập các tổ tự quản thu gom rác và giao cho các trưởng khu quản lý. Một số địa phương như Tiên Yên, Hạ Long đã xây dựng đề án thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải rắn; xây dựng mô hình thay đổi hành vi, hạn chế sử dụng túi nilon; xây dựng các tổ thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ các gia đình đến điểm tập trung rác thải của xã, thị trấn…

Phường Thanh Sơn (TP Uông Bí) triển khai thí điểm thực hiện mô hình quản lý, tổng hợp chất thải rắn thông qua dự án nâng cao nhận thức về quản lý chất thải. Tại Ba Chẽ thành lập Tổ hợp tác dịch vụ tổng hợp Tần Tiến (xã Đồn Đạc) quản lý và sử dụng bãi rác tập trung theo quy hoạch với phương pháp lò đốt và thực hiện thu gom, xử lý khoảng 6,8 tấn rác/ngày của trên 1.000 hộ dân tại 10 thôn của xã…

Các doanh nghiệp thu gom chất thải rắn sinh hoạt phối hợp chặt chẽ với địa phương hoàn thiện mạng lưới điểm tập kết, trạm trung chuyển phù hợp điều kiện thực tiễn.

Nhà máy xử lý rác thải Đông Triều tại xã Tràng Lương đi vào hoạt động từ giữa năm 2021. Ảnh: Việt Hưng

Nhà máy xử lý rác thải Đông Triều tại xã Tràng Lương được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2021. Ảnh: Việt Hưng

Để xử lý tốt chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, tỉnh cũng xây dựng, đưa vào vận hành 5 khu xử lý chất thải rắn liên vùng, liên huyện; 2 khu xử lý riêng cho một số xã đảo, 4 khu chôn lấp đang tiếp nhận rác thải sinh hoạt hàng ngày (tiến tới thực hiện đóng cửa theo quy định).

Quảng Ninh đang đa dạng, hiện đại hóa phương thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo định hướng giảm dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tăng dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt. Tính đến hết tháng 6/2023, tỉnh đã đầu tư đưa vào hoạt động, hoặc vận hành thử nghiệm 26 lò đốt rác tại 9 địa phương với tổng công suất xử lý là 31.983kg/h. Ngoài ra, các địa phương đang thực hiện đầu tư 7 lò đốt tại các xã đảo, các xã vùng sâu, vùng xa… bảo đảm cơ bản giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Với nỗ lực chung của toàn tỉnh, nhận thức ngày càng nâng cao của người dân, đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh đạt 96,7%; trong đó 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 26% được xử lý bằng công nghệ đốt; 2-4% được xử lý bằng phương pháp tái chế thu hồi nhựa, chế biến phân compost.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải y tế… Phát huy công nghệ hiện đại tái chế rác thải, bảo đảm tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt trên 99%.

Nguồn: baoquangninh

×

FanPage

WETV EXPO