Hố rác di động – phương án bảo vệ môi trường mới ở xã vùng cao Huy Thượng

  15/08/2021

Thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng Nông thôn mới, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã triển khai hướng dẫn người dân xây dựng hố rác di động để xử lý rác thải rắn hữu cơ dễ phân hủy tại hộ gia đình.

Huy Thượng là 1 trong 2 xã đăng ký đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2021 của huyện Phù Yên. Toàn xã có 7 bản, hơn 1.000 hộ, trên 5.100 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái, Mường… Tới hết tháng 6/2021, xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí, còn 5 tiêu chí chưa đạt là: Giao thông, nhà ở dân cư, thu nhập, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm.

Ông Cầm Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Huy Thượng cho biết: Xác định tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường, hướng dẫn người dân chỉnh trang nhà cửa, thường xuyên dọn dẹp các tuyến đường giao thông nông thôn, công trình công cộng. Thực hiện các phong trào, cuộc vận động như Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với xây dựng Nông thôn mới…

Mô hình hố rác di động là hình thức xử lý rác dễ thực hiện, thân thiện với môi trường.

 

Tới nay, trên địa bàn xã có 1023/1071 hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt trên 95%; 39/54 cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; 6/7 bản thực hiện thu gom rác tập trung; 733/1.071 hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt đảm bảo 3 sạch; 239/375 hộ có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường…

Để đạt mục tiêu tháng 9/2021 hoàn thành tiêu chí môi trường, xã đã phân công các ban ngành đoàn thể thường xuyên xuống cơ sở, tranh thủ sự ủng hộ tích cực của người dân và cộng đồng dân cư, hướng dẫn nhân dân tiếp tục chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh các tuyến đường, thu gom xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi thực hiện ủ chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt.

Phát động các phong trào như: Đào hố rác di động, ủng hộ viên gạch xây nhà tiêu của đoàn thanh niên… Bước đầu, đã triển khai được gần 200 hố rác di động trên toàn xã.

Thứ 7 hàng tuần, cán bộ huyện, xã trực tiếp hướng dẫn người dân triển khai đào hố rác di động.

 

Anh Hà Văn Phọn, người dân bản Ban, xã Huy Thượng phấn khởi: “Trước đây, rác thải của gia đình thì tôi cho vào bao tải, mang đi đốt nên nhiều khi cũng ô nhiễm. Giờ biết cách đào hố để thu gom thì thuận tiện hơn, lại còn có phân bón cho cây trồng”.

Ông Hoàng Văn Nguyên, Trưởng bản Ban, xã Huy Thượng cho biết: Toàn bản có 250 hộ dân, hình thức xử lý rác thải chủ yếu là chôn và đốt. Sau khi được cán bộ huyện, xã hướng dẫn cách đào hố, cách phân loại rác thải, bà con rất hướng ứng. Ban Quản lý bản đang tiếp tục vận động bà con với mục tiêu mỗi hộ gia đình có một hố rác di động. Nhờ mô hình này, ý thức bảo vệ môi trường cho bà con đã được nâng lên, không còn cảnh vứt rác bừa bãi ra đường hay xuống suối nữa.

Để triển khai mô hình hố rác di động, trên cơ sở hướng dẫn của Sở TN&MT, huyện Phù Yên đã ban hành Công văn số 469/UBND gửi các xã, thị trấn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng hố rác di động phù hợp với điều kiện của địa phương để phân loại và xử lý chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy tại gia đình.

Theo hướng dẫn, rác hữu cơ dễ phân hủy là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên như các loại thức ăn thừa, rau củ quả hư hỏng, vỏ trái cây… Hố rác di động là hố nhỏ được đào để hàng ngày người dân đổ phần rác hữu cơ dễ phân hủy xuống, sau đó dùng nắp đậy che kín mặt hố, sau một thời gian, rác sẽ hoai mục thành phân dùng bón cho cây trồng hoặc cải tạo đất.

Đến nay, xã Huy Thượng đã triển khai đào gần 200 hố rác để thu gom rác thải cho người dân, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường.

 

Vị trí đặt hố trong khuôn viên hộ gia đình (trong vườn), không quá ẩm ướt, cách nơi ở trên 3 m. Hố được đào theo hình trụ tròn đường kính khoảng 0,5 – 1 m, sâu 1 – 1,5 m hoặc hình hộp có cạnh dài 0,5 – 1 m, sâu 1 – 1,5 m. Phần nắp đậy có kích thước và hình dáng phụ thuộc vào miệng hố, tùy điều kiện hộ gia đình có thể chọn các vật liệu khác nhau.

Rác hữu cơ hàng ngày được đổ vào hố, mỗi lớp rác có độ dày từ 10 – 20 cm, sau đó rắc một lớp mỏng chế phẩm sinh học. Bỏ đất hoặc tro/trấu rải lên trên một lớp mỏng khoảng 2 – 5 cm và đậy nắp để tránh ruồi, muỗi, chuột và mưa.

Khi hố rác đầy, tiến hành lấp đất và đào hố khác để đựng rác, phần nắp sẽ được di dời sang hố đào khác, có thể di chuyển khắp vườn và sử dụng nhiều lần. Phần rác không hoại mục do lẫn chất hữu cơ khó phân hủy sẽ được thu gom và xử lý cùng phần rác thải hữu cơ khó phân hủy không tái chế.

Cùng với đó, để xây dựng mô hình hố rác đúng kỹ thuật, huyện Phù Yên đã phân công cán bộ các phòng, ban, đơn vị của huyện phối hợp với cấp xã, trực tiếp xuống cơ sở cùng người dân vào thứ 7 hàng tuần để hướng dẫn người dân thực hiện.

Ông Ngô Đức Dương, Trưởng phòng TN&MT huyện Phù Yên cho biết: Gọi là hố rác di động vì hố rác có thể tích nhỏ, khi hố đầy có thể chuyển sang đào hố khác để tiếp tục sử dụng. Hình thức xử lý rác này đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả và phù hợp với việc xử lý rác hữu cơ dễ phân hủy tại vùng nông thôn. Đồng thời, thân thiện với môi trường hơn so với các biện pháp như đốt rác hay chôn lấp. Mùn tạo ra từ rác thải hữu cơ có thể sử dụng cho việc cải tạo đất và làm phân bón cho cây trồng.

×

FanPage

WETV EXPO