Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quản lý chất thải

  08/06/2022

Chiều 2/6, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Tổng cục Môi trường và Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Diễn đàn Môi trường năm 2022 với chủ đề “Quản lý chất thải và trách nhiệm của doanh nghiệp”.

2(2).jpg
Ông Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại diễn đàn

Đây là sự kiện hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường, là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ TN&MT (5/8/2002-5/8/2022).

Phát biểu khai mạc, ông Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức diễn đàn cho biết: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp là yếu tố tiên phong. Thông điệp của diễn đàn môi trường năm 2022 là kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực thi những chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tăng cường quản lý, xử lý chất thải, tái chế rác thải, hạn chế, giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, sống thân thiện với môi trường. Đồng thời hướng tới các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, để đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của nhân dân”.

ong-hien.jpg
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền chia sẻ tại diễn đàn

Chia sẻ về các điểm mới nổi bật trong quản lý và xử lý chất thải của Luật Bảo vệ môi trường 2020, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Luật BVMT năm 2020 đã quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), gồm 6 điều với các nội dung: Phân loại, lưu giữ, chuyển giao; điểm tập kết, trạm trung chuyển; thu gom, vận chuyển; xử lý CTRSH; chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp. Việc phân loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được chia làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác.

Trong đó, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Chất thải rắn sinh hoạt còn lại sẽ căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý.

a-tho.jpg
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ phát biểu tại diễn đàn

Luật BVMT có định hướng xuyên suốt là bảo vệ môi trường gắn với bảo vệ người dân, do vậy, hiện nay Bộ TN&MT đang xây dựng để hoàn thiện đồng bộ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trong đó có hoàn thiện các quy chuẩn về xử lý rác thải rắn sinh hoạt và quy chuẩn này sẽ tiệm cận gần với các nước đang phát triển hiện nay. Đối với các cơ sở đã đi vào hoạt động trước ngày quy chuẩn có hiệu lực thì sẽ có lộ trình để hoàn thiện, thay đổi, nâng cao công nghệ xử lý rác thải. Ngoài ra, công nghệ xử lý chất thải thu hồi nguồn năng lượng cũng là định hướng trong thời gian tới như đốt rác phát điện, phân compost, khí biogas,…

Chia sẻ cụ thể hơn về vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý chất thải, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ cho biết: Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Chủ dự án đầu tư phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ CTRSH phù hợp với các loại chất thải theo quy định của Luật; tổ chức thu gom chất thải và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH.

3.jpg
Quang cảnh diễn đàn môi trường năm 2022

Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường thì cần phân loại tại nguồn theo quy định; lưu giữ bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các cơ sở sản xuất, cơ sở xử lý. Với chất thải nguy hại, các doanh nghiệp nếu phát sinh chất thải nguy hại phải khai báo khối lượng, loại chất thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc nội dung đăng ký môi trường; thực hiện phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ riêng và không để lẫn với chất thải không nguy hại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật hoặc chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.

Tại diễn đàn môi trường năm 2022, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận liên quan đến thực trạng quản lý chất thải, các kinh nghiệm, giải pháp, khuyến nghị đối với quản lý chất thải phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam như “Biến rác thải thành tài nguyên – Kinh nghiệm và giải pháp của Phần Lan”; “Các đề xuất của WB đối với quản lý rác thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam”; “Định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ xử lý CTRSH của Việt Nam”; ‘Phát triển công nghệ xử lý CTRSH của Việt Nam”,… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp môi trường và xử lý chất thải cũng đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn và rác thải sinh hoạt.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

×

FanPage

WETV EXPO